101 và 102

101 đắng lòng tâm sự với 102 về anh chồng giỏi giang thường vào nhà nghỉ “ăn trưa” với đồng nghiệp nữ.

Giữa trưa, khu chung cư xảy ra sự cố chập điện. Thang máy đang lên thì đứng khựng lại. Ba con người bị mắc kẹt trong thang máy là một gã thanh niên, một người phụ nữ và một đứa trẻ. Khi đèn vụt tắt, đứa trẻ sợ quá khóc toáng lên. Người phụ nữ chưa hết bàng hoàng, nhưng cố an ủi con: “Con đừng sợ. Mất điện một lúc thôi!”

Gần một phút, thang máy không có chuyển biến gì. Vẫn tối thui. Đứa trẻ khóc càng dữ dội hơn. Người phụ nữ sợ quá cũng khóc rồi hét lên: “Có ai không? Cứu chúng tôi với”. Những âm thanh run rẩy vọng lại từ bốn bức tường kim loại lạnh như băng của thang máy khiến không khí càng trở lên rùng rợn hơn.

Gã thanh niên vẫn đứng tách biệt một góc. Gã bật điện thoại lên để lấy ánh sáng. Điện thoại không có sóng nên gã không thể gọi điện cho ban quản lý chung cư. Mặt gã tái đi vì trong đầu đang lởn vởn những chuyện tiêu cực nhất có thể xảy ra. Ba con người bị đóng gói trong một chiếc hộp, rơi tự do từ tầng mười của khu chung cư, chạm đất là nát bét. Hoặc giả như thang máy cứ đứng yên thế này, hệ thống thông gió không làm việc, chỉ vài giờ nữa thôi, cả ba sẽ chết ngạt không khác gì bị chôn sống trong một cỗ quan tài.

“Đời đúng là đen như chó mực”. – Gã lẩm bẩm. Là người đàn ông duy nhất trong thang máy này, gã cho rằng cần phải thể hiện động thái để làm dịu bớt cái không khí khủng khiếp đang hình thành ở đây. Gã liền trấn an người phụ nữ và đứa trẻ:

– Chị và cháu cứ bình tĩnh. Chắc là mất điện. Họ sẽ sửa nhanh thôi.

Nhanh là bao lâu thì có trời mới biết. Sợ nhất là người ta không biết trong này có người, cứ đủng đỉnh sửa thì hai mẹ con đang kêu la, gào thét kia chưa chết vì ngạt đã chết vì đứt thanh quản. Còn lạ gì với giờ cao su của mấy anh cứu hộ. Cháy chợ mà báo cứu hỏa, chợ cháy thành than thì cứu hỏa mới đến. Việc nhất thiết bây giờ là làm sao phải liên lạc được với bên ngoài. Càng sớm càng tốt.

– Chị có điện thoại không? Mang ra gọi thử xem. Điện thoại tôi không có sóng. – Gã hỏi người phụ nữ.

Trớ trêu, người phụ nữ rút điện thoại ra thì điện thoại sập nguồn từ bao giờ. “Đời đúng là đen như chó mực”.- Gã lại càu nhàu.

Gã đi lại phía cửa thang máy, gõ nhẹ mấy cái, hỏi dõng dạc: “Có ai ở ngoài đó không?”. Gã không dám mạnh tay mạnh chân vì thang máy nó mà cựa quậy một phát là rụng như sung cả đám. Cứ mười giây, gã lại gõ và hỏi như thế một lần. Gã không nhớ đã làm cái việc nhàm chán mấy lần cho đến khi nhận được tín hiệu từ bên ngoài.

– Trong đó cứ bình tĩnh. Tầm mười phút nữa chúng tôi sửa xong. – Giọng một người đàn ông ồm ồm vọng lại từ trên nóc thang máy.

Gã mừng ra mặt, thúc giục:

– Nhanh nhanh lên, có người sắp chết thối rồi đấy!

Thối thật! Thằng bé khóc kiểu gì mà ỉa đái nhầy nhụa ra quần. Người phụ nữ cởi quần thằng bé vứt vào góc thang máy. Dĩ nhiên, dù có thối thì không khí cũng đỡ ngột ngạt hơn lúc không có nổi một tia hi vọng. Mười phút. Làm gì để giết thời gian trong mười phút dài lê thê này nhỉ?

– Chị ở phòng 101 hả? – Gã hỏi.

– Đúng rồi. Anh mới chuyển đến khu này à?

– Ừ! Tôi ở phòng 102, mới chuyển đến từ hôm kia. Bây giờ tôi nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là mua một căn hộ ở khu chung cư này. Khu chung cư chết tiệt.

– Đồ chết tiệt. – Thằng bé mếu máo nói đế theo.

Người phụ nữ vừa mắng vừa nựng con không được nói bậy, rồi quay ra nói với gã:

– Tôi ở đây một năm nhưng chưa bao giờ xảy ra kẹt thang máy thế này đâu!

Gã thở dài nhìn người phụ nữ, ngán ngẩm nói:

– Kẹt thang máy chỉ là một chi tiết tồi tệ trong chuỗi ngày tồi tệ của tôi. Chị biết không, tôi đã bán căn nhà ở ngoại ô để mua căn hộ chung cư này, cho gần chỗ làm. Vậy mà tôi vừa mất việc chỉ vì đánh nhau với tay trưởng phòng. Tay trưởng phòng là người yêu cũ vợ sắp cưới của tôi. Ừ thì bây giờ cô ấy cũng chẳng còn là vợ sắp cưới của tôi nữa rồi. Hôm qua cô ấy đã về quê và nói rằng, sẽ không bao giờ lấy một người ghen tuông ích kỉ như tôi. Chị thử đặt vào hoàn cảnh của tôi xem, chị sẽ phản ứng thế nào khi đọc được tin nhắn vợ sắp cưới của chị ủ ê với người yêu cũ.

Chồng 101 thì thường xuyên vào nhà nghỉ "ăn trưa" cùng nữ đồng nghiệp (Ảnh minh họa)

– Cuộc đời đúng là một trò hề! Họ là những diễn viên hài. Họ biết cách giả tạo. Còn tôi và anh chỉ là những con rối ngu ngốc. – Người phụ nữ nước mắt lưng tròng nói. – Tôi và chồng cũng sắp li dị. Tôi bỏ công việc dạy học của mình để bắt đầu một cuộc sống mới ở khu chung cư này, chui trong một cỗ quan tài được xếp chồng lên các cỗ quan tài khác, ngày ngày có hai việc để tôi thò mặt ra ngoài là đi siêu thị và đưa đón con đi học. Cuộc sống cứ lặng lẽ như thế đến một ngày tôi phát hiện ra một sự thật đê tiện là người chồng giỏi giang của mình thường vào nhà nghỉ “ăn trưa” cùng nữ đồng nghiệp.

– Khốn nạn thật! – Gã cười mỉa mai.

– Đồ khốn nạn! – Thằng bé lại nói đế theo.

– Anh đừng nói bậy, thằng con nhà tôi hay bắt chước lắm. – Người phụ nữ nhắc nhở gã.

Gã cười xòa, xoa đầu thằng bé, rồi hỏi người phụ nữ:

– Nó mấy tuổi rồi hả chị?

– Bốn tuổi.

– Sau khi li dị thì ai sẽ nuôi thằng bé?

– Dĩ nhiên là tôi. Bằng sống bằng chết tôi cũng giành nuôi thằng bé. Sau khi li dị tôi sẽ đưa thằng bé về đằng ngoại. Tôi sẽ xin vào dạy ở một trường tư thục gần nhà. Thế còn anh? Đã có dự định gì chưa?

– Tôi à! Tạm thời tôi cứ sống trong cái quan tài như chị nói. Nhiều người còn không có một cỗ quan tài như thế để mà ở. Xin một công việc mới. Mọi chuyện với cô ấy tôi sẽ dứt khoát, đau một lần còn hơn cứ làm khổ nhau.

– Ừ, anh còn trẻ mà. Chắc tầm 24 – 25 chứ mấy.

– Tôi 27.

Người phụ nữ ngạc nhiên:

– Thế anh bằng tuổi tôi! Anh thì như thanh niên, còn tôi thì già như bà già đau khổ.

– Không, tôi thấy chị đẹp mà. Ngày xưa chắc tầm cỡ hoa khôi.

– Thôi! Đừng tâng bốc nhau nữa kẻo cháu nó cười cho. Hôm nay sinh nhật nó đấy, tối anh rảnh thì qua chơi.

– Thế có anh chồng giỏi giang của chị ở nhà không?

– Không! Từ ngày tôi làm đơn li dị, lão không thèm về nhà. Nghe nói đi công tác với ả đồng nghiệp ở Quảng Ninh rồi. Anh cứ đục quan tài mà sang thôi. Hai quan tài đặt cạnh nhau mà.

– Lúc nãy nhìn chị la hét thì tôi không nghĩ chị có óc hài hước như thế?

Người phụ nữ mỉm cười. Đứa trẻ thấy mẹ cười cũng bắt chước nheo mắt cười theo. Gã cảm thấy tâm trạng dễ chịu hơn nhiều so với ngày hôm qua. Mới đây thôi còn là giây phút kinh hoàng của ba người. Có phải cách giải quyết bế tắc tốt nhất là bộc bạch vấn đề khiến bản thân lo sợ? Hóa ra, từ xưa tới nay, che giấu nỗi sợ hãi chính là sai lầm lớn nhất của con người.

Thang máy khẽ rùng mình, đèn được bật lên. Thằng bé hét chói cả ráy: “Mẹ ơi! Có điện rồi”. Cánh cửa thang máy từ từ mở ra. Bên ngoài, ban quản lý chung cư, thợ sửa thang máy đứng xếp hàng với đủ các biểu cảm trên khuôn mặt chỉ để chào đón ba người vừa bị nhốt trong một cái hộp tầm nửa tiếng. Tất nhiên, gã hay người phụ nữ và đứa trẻ chẳng bận tâm đến mấy lời xin lỗi, chia buồn sâu sắc… ấy đâu. Ai về phòng người ấy, còn lại thì giải tán!

Phòng 101. Thằng bé được mẹ tắm rửa, thay quần áo mới thơm tho, nó hí hửng hỏi mẹ:

– Mẹ ơi! Chú vừa nãy tên là gì thế hả mẹ?

– Chú ấy tên là… À, chú ấy là Một Không Hai.

– Thế chú Một Không Hai có sang dự sinh nhật con không hả mẹ?

– Mẹ không biết!

– Thế mẹ sang bảo chú ấy là con thơm rồi, không thối nữa đâu. Tối nay chú ấy phải tặng quà cho con nhé!

– Ừ, bây giờ uống sữa rồi đi ngủ. Tối mẹ mua bánh gato cho!

Phòng 102. Gã bật một đĩa nhạc nhẹ rồi thả mình xuống giường sau một buổi sáng mệt mỏi. Trước khi ngủ, gã không quên hẹn báo thức bảy giờ tối. Tất nhiên, phải có việc quan trọng thì gã mới hẹn báo thức. Còn bây giờ, gã phải đi ngủ. Bởi chẳng mấy khi mà người ta có được cảm giác nhẹ nhõm khi nằm trong một cỗ quan tài!

Theo Khám phá

Leave a Reply

Or