10 cách gia đình nên áp dụng để con hạnh phúc hơn

Bố mẹ bận rộn với công việc sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học của con. Nếu không có giải pháp cụ thể, con sẽ gặp vấn đề tâm lý.

Theo một cuộc khảo sát, những đứa trẻ (đặc biệt trong độ tuổi từ 5 đến 10) sống trong gia đình có bố mẹ làm việc cả ngày, không dành thời gian cho con sẽ gặp nhiều khó khăn ở trường hơn với những bài kiểm tra không làm hết khả năng và tinh thần căng thẳng. Ngược lại, những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, trợ giúp của bố mẹ khi ở nhà sẽ vui vẻ hơn khi đến trường.

Duới đây là một số cách được chuyên gia chia sẻ trên Lifehack mà những ông bố bà mẹ bận rộn có thể áp dụng để con cảm thấy hạnh phúc hơn mà không làm ảnh hưởng đến lịch trình công việc.

1. Luôn nở nụ cười

Sau một ngày làm việc ở văn phòng, toàn cơ thể bạn trở nên mệt mỏi. Khi về đến nhà, ngay lập tức con sẽ chạy đến và chia sẻ tất cả hoạt động chúng đã làm ở trường khiến bạn cảm thấy mệt hơn. Nếu bạn bỏ đi và yêu cầu con nói chuyện sau, chúng sẽ mất vui và không còn hào hứng với những gì đã làm được. Ngược lại, bạn nên nở một nụ cười và đáp ứng mọi sự mong đợi của chúng.

2. Sẵn sàng trò chuyện, không gạt bỏ những mối quan tâm của con

Hãy làm cho con hiểu rằng bạn luôn sẵn sàng nói chuyện và chia sẻ mọi khó khăn. Nếu bạn gạt cảm giác của con sang một bên hoặc cố gắng bỏ qua, con bạn sẽ giấu cảm xúc thật trong lòng và không bao giờ thể hiện ra bên ngoài cho bạn thấy. Vì vậy, hãy là người lắng nghe con. Điều đó cũng có thể giúp bạn dễ dàng đối phó với những vấn đề con gặp phải.

10-cach-gia-dinh-nen-ap-dung-de-con-hanh-phuc-hon

Ảnh minh họa: Lifehack

3. Luôn đặt khoảng thời gian nhất định cho gia đình trong kế hoạch tuần

Mặc dù bạn rất bận rộn vào những ngày trong tuần nhưng hãy cố gắng dành ra khoảng thời gian từ lịch trình bận rộn đó và lên kế hoạch cho các hoạt động độc đáo để thưởng thức cùng con, như: chơi trò chơi, đạp xe hay làm một số hoạt động sáng tạo. Bạn cũng có thể đưa con đến công viên hay trung tâm mua sắm, miễn sao có thể dành thời gian cho con dù khoảng thời gian đó không quá nhiều.

4. Tổ chức cuộc họp gia đình hàng tuần

Con sẽ cảm thấy rất đặc biệt nếu được tham gia một cuộc họp mà ở đó những ý tưởng của chúng được đánh giá cao. Cũng trong cuộc họp, hãy để con tự nói về việc cần làm trước khi đi ngủ hay thức dậy và những cách sáng tạo để quản lý công việc vặt. Sẽ rất thú vị khi bạn thấy cách con làm theo kế hoạch và quy tắc do chính chúng tạo ra.

Các cuộc họp như vậy cũng có thể giúp con học cách giải quyết vấn đề và cách phối hợp với mọi người. Con sẽ có cơ hội bày tỏ những vấn đề gặp phải trong tuần để bạn có thể giải thích và giúp đỡ.

5. Tạo ra những cuộc thảo luận

Giờ nghỉ sau bữa ăn tối là thời gian thích hợp để gia đình bạn thảo luận về tin tức, chủ đề và câu chuyện mới nhất. Bạn cũng có thể thảo luận về giáo dục khoa học để con thu nhận thêm một số kiến thức và tương tác nhiều hơn. Bằng cách này, dù rất bận rộn nhưng bạn vẫn hướng dẫn được con và trở thành hình tượng trong mắt con.

6. Yêu cầu con giúp đỡ bạn

Con luôn khao khát nhận được tình yêu thương và sự chú ý của bố mẹ. Vì vậy, con sẽ cảm thấy đặc biệt khi bạn yêu cầu giúp đỡ. Tuy nhiên, hãy đưa ra yêu cầu một cách lịch sự để chúng cảm nhận được bạn đang cần sự giúp đỡ thật sự, tránh đưa ra yêu cầu một cách thô bạo, khắc nghiệt theo kiểu la mắng hay ép con làm. Ví dụ khi thấy phòng con bừa bộn, hãy nói “Con giúp mẹ dọn phòng nhé” thay vì trách mắng con đã làm bẩn phòng và ra lệnh chúng phải dọn dẹp ngay lập tức.

7. Đi chơi vào cuối tuần

Bạn thường rất bận rộn với công việc nhà vào cuối tuần, thậm chí mang cả việc cơ quan về nhà. Hãy sắp xếp để hoàn thành nó một cách nhanh chóng và lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi. Bạn có thể đưa gia đình đến công viên và tham gia hoạt động ngoài trời ở đó. Không chỉ con mà chính bạn cũng cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn.

8. Là người bạn đồng hành tốt của con 

Cho dù bạn bận rộn đến đâu, điều quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ vững chắc với con. Bạn không thể dành đủ thời gian cho chúng, nhưng bất cứ khi nào bạn được tự do như ban đêm hay trong thời gian ăn sáng, hãy thể hiện sự quan tâm và nói chuyện với con như thể hai người bạn tốt.

Đừng để con thấy bạn tức giận trước những gì con nói sai. Hãy cố gắng dạy con về các giá trị đạo đức, điều gì là sai, điều gì là đúng để chúng biết được sự khác biệt. Bằng cách này, con sẽ không bao giờ cố gắng che giấu bất cứ điều gì và sẵn sàng chia sẻ với “người bạn tốt”.

9. Kết hợp với các gia đình khác

Bạn có thể kết hợp với một số gia đình người quen để đảm bảo con được chơi hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Khi đó, phụ huynh ở mỗi gia đình sẽ luân phiên nhau trong một tuần để trông nom và chăm sóc lũ trẻ khi chúng đi chơi.

10. Để con học hỏi từ chính sự bận rộn của bạn

Bạn thường cảm thấy tội lỗi khi không dành nhiều thời gian cho con do lịch trình công việc dày đặc. Nhưng nhìn theo một chiều hướng khác, nó có thể trở thành một ví dụ hữu ích để dạy con về trách nhiệm và những khó khăn phải đối mặt trong tương lai. Khi nhìn thấy bố mẹ làm việc chăm chỉ và đảm nhiệm nhiều công việc, con cũng có thể tìm hiểu về trách nhiệm và mục tiêu. Thảo luận cùng con về đề tài này sẽ giúp cải thiện khả năng học tập của chúng.

Dương Tâm

Theo Vnexpress

Leave a Reply

Or